Chuyển đổi số là chuyển đổi các hoạt động của chính quyền, của kinh tế và của xã hội lên môi trường số. Người lãnh đạo quyết định chuyển đổi cái gì, còn làm việc đó như thế nào thì hãy để cho các nhà chuyên môn và doanh nghiệp công nghệ số. Tách biệt 2 công đoạn này sẽ làm cho chuyển đổi số dễ hơn và nhanh hơn.
Việc chọn cái gì để chuyển đổi trước thì có thể theo thứ tự sau. Cái nào bắt buộc phải làm thì làm trước, thí dụ như học trực tuyến thời Covid-19. Tiếp đến là cái nào lên môi trường số thì hiệu quả vượt trội, thí dụ dịch vụ công trực tuyến. Và sau đến là cái nào lên môi trường số thì có thể tạo ra các dịch vụ, giá trị mới, thí dụ sàn giao dịch điện tử không chỉ bán quả xoài như trước đây mà còn có thể bán trước cả cây xoài.
Về mối quan hệ giữa ứng dụng CNTT và chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo có tính đột phá của ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT thì đã 20-30 năm rồi. Chuyển đổi số thì mới thôi, nó sử dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN lần thứ 4, nhất là các công nghệ số, như các nền tảng số thay vì phần mềm riêng biệt, như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, để thực hiện các việc của CNTT một cách nhanh hơn, rẻ hơn, và đặc biệt là tạo ra các dịch vụ mới, giá trị mới, thay đổi cách quản trị xã hội, sản xuất và bán hàng. Tức là khi nói chuyển đổi số thì đã bao hàm ứng dụng CNTT. Tiếp nối, thay thế và ở tầm mức cao hơn.
Về mối quan hệ giữa chính phủ điện tử và chính phủ số. Trọng tâm của chính phủ điện tử là dịch vụ công trực tuyến, công nghệ sử dụng là công nghệ thông tin. Chính phủ số thì không chỉ dịch vụ công lên môi trường số mà còn là tất cả các hoạt động khác của chính phủ cũng lên môi trường số. Công nghệ sử dụng là công nghệ số. Như vậy, chúng ta làm chính phủ số thì đã bao gồm cả chính phủ điện tử.
Loài người đã quen với môi trường thực hàng chục ngàn năm. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là một việc khó. Thay đổi các thói quen là một việc lâu dài. Nhưng thay đổi thói quen lại là một việc không khó, vì nó phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Chế độ một đảng lãnh đạo sẽ giúp chúng ta chuyển đổi số nhanh hơn các quốc gia khác. Một đảng lãnh đạo và nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh sẽ là lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong chuyển đổi số, từ đó mà bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.
Chuyển đổi số thì khó nhất là thay đổi nhận thức, là toàn dân cùng lúc chuyển đổi số, là sẵn có công cụ để chuyển đổi số, và sau nữa là không biết mình có đi đúng hướng không, có hiệu quả không. Bộ TT&TT ngay trong tháng 8 này, sẽ ban hành cẩm nang về nhận thức chuyển đổi số cho người dân, cho doanh nghiệp và cho chính quyền.
Trong năm 2020 này, các ban, bộ, ngành và các địa phương sẽ ban hành chiến lược chuyển đổi số của mình. Như vậy là toàn quốc chuyển đổi số. Một cuộc cách mạng toàn dân. Công cụ cho chuyển đổi số chính là các nền tảng. Mỗi tuần, Bộ TT&TT đều ra mắt các nền tảng Việt Nam phục vụ cho chuyển đổi số. Và sau cùng, để biết chúng ta có đi đúng hướng không thì Bộ TT&TT sẽ ban hành bộ tiêu chí về chuyển đổi số, sẽ tiến hành đo đạc và công bố kết quả, công bố xếp hạng chuyển đổi số quốc gia hàng năm.
10 kiến nghị chuyển đổi số của Bộ TT&TT với các địa phương
1. Về xây dựng chiến lược chuyển đổi số
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, là chương trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là sự tiếp nối, cụ thể hoá NQ 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Tỉnh uỷ các tỉnh sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, và sau đó, UBND ra chiến lược về chuyển đổi số. Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ để các tỉnh ban hành được trong năm nay, năm 2020.
2. Về phát triển hạ tầng số tại tỉnh
Hạ tầng số thì đầu tư không lớn, có thể làm rất nhanh, lại chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư, nhưng giá trị và hiệu quả lại rất lớn, nhất là đối với kinh tế số. Các tỉnh cần đẩy nhanh chương trình mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số, triển khai 5G tại các khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh, cũng như sẵn sàng đón làn sóng đầu tư công nghệ cao. Đây là những hạ tầng, nền tảng quan trọng nhất của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nên cần phải đi trước, càng nhanh càng tốt.
3. Về dịch vụ công trực tuyến
Đẩy nhanh việc đưa dịch vụ công lên trực tuyến. Không làm tuần tự, mà hướng ngay tới mục tiêu 100%. Chậm nhất năm 2021, 100% dịch vụ công của các tỉnh lên trực tuyến mức độ 4. Bộ TT&TT sẽ tư vấn các tỉnh về cách làm nhanh và tiết kiệm.
4. Về triển khai chính quyền số
Không chỉ dịch vụ công mà đồng thời là các hoạt động khác của chính quyền lên môi trường số. Tương tác với người dân nhiều hơn. Mở dữ liệu cho doanh nghiệp tham gia sáng tạo thêm các dịch vụ mới cho người dân. Triển khai chính quyền số từ cấp thấp nhất là cấp xã. Trong tháng 8 này, Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn về chính quyền số, về thí điểm chính quyền số cấp xã, cấp huyện.
5. Về an toàn, an ninh mạng
Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số. Để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hệ thống CNTT, các tỉnh cần dành ít nhất 10% ngân sách CNTT, và thuê doanh nghiệp chuyên trách về an toàn thông tin để bảo vệ hệ thống CNTT của tỉnh, thực hiện bảo vệ 4 lớp theo Chỉ thị 14/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Về ngân sách dành cho CNTT
7. Về nhân lực chuyển đổi số
Tỉnh ưu tiên người có chuyên môn, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để tăng cường cho sở TT&TT, nhất là nhân sự giám đốc sở. Giao cho sở làm hạt nhân để thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh, giao nhiều việc hơn cho sở, nhất là việc khó và thách thức, để sở từ đó mà phát triển, xuất hiện người tài cho tỉnh. Muốn chọn CNTT, chuyển đổi số làm hướng đột phá thì phải có nhân sự đột phá.
8. Về vai trò hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ TT&TT
Có việc gì khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực TT&TT, thì tỉnh yêu cầu Bộ TT&TT hỗ trợ, càng nhanh càng tốt. Vì Bộ sinh ra là để phục vụ các tỉnh. Bộ không chỉ hỗ trợ về hướng dẫn, về tháo gỡ chính sách, mà Bộ còn có lực lượng phản ứng nhanh, có thể hỗ trợ từ xa qua cầu truyền hình, hoặc trực tiếp vào tỉnh để cùng làm. Lực lượng gần 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT cũng sẵn sàng tham gia vào các chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Các tỉnh hãy đặt các bài toán, các vấn đề của mình cho giới doanh nghiệp công nghệ, có thể trực tiếp hoặc thông qua Bộ TT&TT.
9. Về đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới
Bộ TT&TT khuyến nghị các tỉnh trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống KT-XH, thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Dùng báo chí truyền thông để khơi dậy khát vọng hùng cường thịnh vượng, tạo lên sức mạnh tinh thần để tỉnh bứt phá vươn lên. Đầu tư cho TT&TT là không lớn, nhưng giá trị mang lại sẽ là rất lớn.
10. Về trung tâm chuyển đổi số vùng
Bộ TT&TT cũng khuyến nghị các vùng có một trung tâm chuyển đổi số cho khu vực, đây là nơi đào tạo nhân lực chuyển đổi số, phát triển và giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số, thí điểm chính sách mới, giới thiệu các mô hình thành công, nơi tập trung các doanh nghiệp giúp chuyển đổi số cho cả khu vực.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Trọng Đạt – Bình Minh Theo Báo vietnamnet.vn