Doanh nghiệp dược nội địa vượt khó

Wdnesday, 27/03/2024, 13:26 GMT+7

Mặc dù có nguồn dược liệu phong phú, thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng hiện nay các sản phẩm thuốc của Việt Nam chỉ mới chiếm 45% tổng giá trị thuốc điều trị. Trong bối cảnh các “ông lớn” dược phẩm nước ngoài đang không ngừng “đổ bộ” vào Việt Nam thì bài toán làm sao giữ được “thế đứng” trên sân nhà bằng con đường khác biệt vẫn đang là thách thức đối với các doanh nghiệp dược phẩm nội địa.

QTDG
Quy trình đóng gói thành phẩm được thực hiện nghiêm ngặt tại Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic


Những điểm sáng

Là một trong những doanh nghiệp dược phẩm nội địa với thế mạnh tập trung các sản phẩm ở mảng OTC (thuốc không kê đơn), năm 2023, Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic trở thành điểm sáng hiếm hoi khi có sự tăng trưởng ổn định. Cụ thể, trong năm 2023, doanh nghiệp này có doanh thu 506 tỷ đồng, đạt 104% chỉ tiêu kế hoạch. Tổng doanh thu thực hiện năm 2023 tăng 3,98% (tăng 19,357 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2023 và tăng 3,64% so với thực hiện năm 2022 (tăng 17,780 tỷ đồng).

Theo ông Trần Việt Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic, để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng phương án bán hàng, kinh doanh linh hoạt; tiết giảm chi phí trong điều kiện kinh doanh khó khăn; cải tiến thủ tục mua, bán và quy trình sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng luôn được công ty chú trọng. Cùng với các sản phẩm đã “định vị” thương hiệu trong lòng người tiêu dùng hàng chục năm như nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% (thuốc nhỏ mắt, mũi), thuốc lợi gan mật B.A.R…, công ty cũng nỗ lực nghiên cứu các mặt hàng mới để đưa ra thị trường như Gynofar New, Rectiofar New, Coldfed New, Tyrotab New (60mg, 90mg, 120mg), Povidine 7,5% - Povidine 10% (thuốc mỡ, dung dịch súc miệng), Levofar (thuốc nhỏ mắt)…

Trong khi đó, là đơn vị đứng số 1 về kháng sinh tại thị trường Việt Nam, năm 2022, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm đã đưa thêm nhà máy đạt chuẩn EU-GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) vào khai thác, nâng tổng số lên đến 4 nhà máy. Kết quả, trong năm đầu tiên nhà máy mới đi vào hoạt động đã đạt doanh thu gần 80 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh nghiệp này có tổng doanh thu gộp đạt 2.113 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường 8%. Doanh thu thuần đạt 1.994 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2024, sự tăng trưởng toàn ngành dược sẽ vẫn còn khó khăn và lợi nhuận các công ty trong ngành dược dự báo sẽ giảm còn 6%. Doanh thu kênh ETC (thuốc kê đơn) tại các bệnh viện công dự kiến sẽ trở về mức bình thường (dự báo khoảng 9,4%) do kênh này đã được phục hồi trong năm 2023. Kênh OTC dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, có nhiều lựa chọn hơn thông qua thương mại điện tử và chuỗi nhà thuốc.

Ngành công nghiệp dược nội địa phát triển sẽ giúp ngành y tế chủ động được nguồn cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, giá cả thấp hơn, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho lao động trong nước… Do đó, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp thì rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước

PGS-TS-DS PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Đối mặt nhiều thách thức

Theo PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dược phẩm hiện đang phải đối mặt là kinh tế tăng trưởng chậm khiến cầu tiêu dùng yếu, biến động giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng khốc liệt và sức ép từ tỷ giá gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường dược Việt Nam còn thiếu tính ổn định do nguyên liệu sản xuất phụ thuộc tới 90% vào nguồn nhập khẩu.

“Phần lớn doanh nghiệp dược Việt Nam tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Chưa kể, tình trạng doanh nghiệp dược phẩm nội địa sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường lẫn nhau khiến cho “cuộc chơi” cạnh tranh ngày càng gay gắt”, PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Trung cho rằng, sau đại dịch Covid-19, các xung đột chính trị, chiến tranh ở nhiều khu vực trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu biến động, tỷ giá USD/VND tăng… khiến các doanh nghiệp dược phẩm nội địa gặp nhiều bất lợi. Các doanh nghiệp dược cũng gặp khó trong việc tìm nguyên liệu mới phục vụ cho công tác nghiên cứu sản phẩm mới.

Theo Cục Quản lý dược, Chính phủ đã xác định phát triển dược phẩm nội địa là một trong những chiến lược phát triển trọng tâm của quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện cả nước đã có hơn 228 nhà máy sản xuất dược phẩm, trong đó có 18 nhà máy đạt chuẩn EU GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn châu Âu). Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam đã có thể tự cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu nội địa, thậm chí còn sản xuất một số sản phẩm đặc trị virus Corona. Điều này cho thấy năng lực sản xuất dược phẩm Việt Nam là rất lớn.

THÀNH AN

(Trích từ nguồn báo Báo Sài Gòn Giải Phóng Online - 26/03/2024)