* Người Việt Nam và người nước ngoài đã ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn đang làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại công ty thì có tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không? Người lao động nước ngoài không làm việc tại Việt Nam nữa có được hưởng BHXH một lần không? (Công ty TNHH Digi-Texx, quận 12, TPHCM).
Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Với lao động là người Việt Nam, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn dưới luật quy định, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng.
Thực hiện theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp ký HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng với người lao động đủ tuổi hưởng hưu trí nhưng chưa hưởng chế độ hưu trí thì phải đóng BHXH bắt buộc. Trong trường hợp người lao động cao tuổi đã hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thì không thuộc diện đóng BHXH; tuy nhiên, ngoài tiền lương, đơn vị sử dụng lao động phải trả thêm chi phí lẽ ra phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thay vì phải đóng các loại bảo hiểm cho cơ quan BHXH.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Lao động nước ngoài không làm việc tại Việt Nam nữa được hưởng trợ cấp BHXH một lần, nhưng theo quy định tại Nghị định 143/2018, nội dung này sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2022 trở đi.
* Người lao động nước ngoài có thuộc đối tượng được trả trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động với mỗi năm bằng 1/2 tháng lương như người lao động Việt Nam hay không? Thủ tục giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ là người lao động nước ngoài hiện nay được quy định như thế nào? (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ y tế Mednovum, quận 3, TPHCM).
Người lao động nước ngoài được trả trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động tương tự người lao động Việt Nam.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ là người nước ngoài thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với lao động Việt Nam. Điều này được thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật BHXH và Điều 5 của Nghị định 115/2015. Hồ sơ giải quyết chế độ BHXH của lao động nữ là người nước ngoài do cơ quan nước ngoài cấp, phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đơn vị nộp hồ sơ giải quyết chế độ thai sản tại cơ quan BHXH nơi đóng BHXH.
* Người lao động nữ vừa sinh con xong, đi làm ngay (không nghỉ ít nhất 4 tháng thai sản sau khi sinh), lao động nữ này vừa nhận tiền chế độ thai sản, vừa nhận tiền lương trong những tháng này. Vậy lao động nữ và doanh nghiệp có bị xử phạt gì không? (Công ty TNHH Thư viện pháp luật, quận 3, TPHCM).
Điều 40 Luật BHXH quy định về lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con. Trong đó, lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của luật này khi có đủ các điều kiện sau đây: sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Trong trường hợp đi làm sớm, ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của luật này.
(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng Online Thứ Ba, 25/6/2019 08:06 )
Link: http://www.sggp.org.vn/nguoi-het-tuoi-lao-dong-thi-dong-bhxh-ra-sao-601032.html